Thảo luận về chi phí lán trại, nhà tạm

Hỏi:  
Trong một hồ sơ dự thầu, Chi phí lán trại là 3,3% mà mình không tìm thấy tài liệu nào nói về chi phí này. Bạn nào cho mình vài thông tin được không?
Thảo luận 1:
Theo quy định về lập dự toán, nhà nước quy định ĐM chi phí lán trại trên tổng CP xây dựng sau thuế là 2% với công trình theo tuyến và 1% với công trình thông thường (TT04/2010-BXD). Tuy nhiên nhà thầu chào giá với ĐM 3,3%, Về mặt chào thầu, nhà thầu có quyền chào giá cao hoặc thấp hơn so với ĐM quy định của nhà nước, tuy nhiên với con số 3,3% theo Quy định của Nghị định 85/2009 được coi là giá khác thường!
Khoản 5-Điều 70 - NĐ 85/2009: Trường hợp hồ sơ dự thầu có đơn giá khác thường mà gây bất lợi cho chủ đầu tư thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ bằng văn bản về những đơn giá khác thường đó. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì đây là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch theo quy định như đối với nội dung chào thừa hoặc thiếu của hồ sơ dự thầu so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.
Như vậy trường hợp trên, Bên mời thầu sẽ ra công văn yêu cầu Bên dự thầu giải thích rõ tại sao chào 3,3%. Nếu nhà thầu ko có văn bản làm rõ HSDT và giải thích ko hợp lý thì khi chấm thầu, Dự toán thầu sẽ được hiệu chỉnh lại theo đúng quy định của TT 04/2010.
Xem thêm: Thảo luận về định mức trong dự toán đấu thầu
Thảo luận 2:
Mới nhìn thì trong các TT hướng dẫn không có cái số 3,3% này (chỉ có 2 chỉ số 1% hoặc 2%). Nhưng biết đâu nhà thầu ghép cả công tác đảm bảo giao thông vào đó thì sao nhỉ? Phải xem chi tiết HSDT một chút mới phán được.
Thảo luận 3:
Theo cách hiểu: Chi phí nhà tạm là để điều hành và để ở, thì không có việc ghép công tác đảm bảo giao thông vào được. Nếu trong HSDT có ghép vào thì theo mình cũng không chính xác mục đích phân chia chi phí.
Nếu trong HSDT có ghép vào thì  HSDT phần phân tích chi tiết phải được viết: Chi phí lán trai + đảm bảo giao thông: 3,3%
Hoặc:
+ Chi phí lán trại: ...%.
+ Chi phí đảm bảo giao thông: ...%.
Thảo luận 4:
Ý kiến của bạn cũng khá sát. Tuy nhiên về vấn đề này mình cũng bàn luận sâu thêm một chút, vì thị trường xây dựng hiện nay đang thật sự "mở", việc đầu tư các dự án cũng như thực hiện xây dựng các dự án đã có sự tham gia rất lớn của nhiều thành phần trong xã hội.
- Ở tình huống của bạn, nếu giữ nguyên mức chi phí lán trại là 3,3% để xác định giá đánh giá, và giá đánh giá của nhà thầu này là thấp nhất thì rõ ràng các bạn thấy là mức chi phí lán trại này tuy là bất thường nhưng lại không gây thiệt hại (bất lợi) cho chủ đầu tư (ko nên nghĩ đơn giá đó cao thì CĐT mất nhiều tiền -> bất lợi).
- Vậy vấn đề bàn luận ở đây là:
+ Đơn giá khác thường nhưng cần phải xác định rõ mức bất lợi mà nó gây ra cho Chủ đầu tư. Bạn chiếu vào tình huống của bạn nhé.
+ Với những tình huống đơn giá cao hoặc thấp, các bạn có nghĩ cần phải bắt buộc nhà thầu giải thích không hay nên để bên mời thầu tự đánh giá mức độ hợp lý của các Đơn giá này để đưa ra quyết định?
Thảo luận 5:
Mình cũng đã trực tiếp tham gia 02 tình huống thuộc 02 dự án:
+ Dự án A: Nhà thầu chào thầu, mức lợi nhuận nhà thầu chào là 10% (cao hơn theo quy định hiện hành), nhưng giá đánh giá của nhà thầu thì lại là thấp nhất, mà cụ thể hơn là giá sau hiệu chỉnh sai lệch là thấp nhất. Đơn giản là nhờ cách quản lý tổ chức thi công tốt, nhiều kinh nghiệm, nên đơn giá của các công tác chính (khối lượng nhiều) như bê tông, cốt thép thì lại thấp hơn đáng kể so với các nhà thầu khác. Bên mình có trao đổi vấn đề với họ, thì họ trả lời đó là mức lợi nhuận cần thiết để họ tham gia dự án (bạn nào làm ở bộ phận Đầu tư, chuyên phân tích, đánh giá dự án thì biết rõ món này). Nếu chiếu theo Nghị định 85/2009 thì rõ ràng coi mức 10% này là sai lệch và thực hiện điều chỉnh sai lệch -> Nhà thầu chắc chắn không đồng ý. Kết quả cuối cùng là lựa chọn nhà thầu này và vẫn giữ nguyên mức lợi nhuận 10%.
+ Gói thầu B (phần thô 37 tầng, thời gian thực hiện 24 tháng): Cũng giống tình huống ở dự án A, nhưng ở đây mức chi phí lán trại họ đưa ra là 5%. Mức giá đánh giá của họ xếp ở vị trí thứ 2 nhưng chỉ tiếu đánh giá tổng hợp lại xếp thứ nhất. Kết quả cuối cùng là chọn nhà thầu này. 
- Trong cơ chế thị trường, khả năng ứng biến của nhà thầu là linh hoạt, việc điều chỉnh cơ cấu Đơn giá của công việc A để bù cho công việc B hoặc ngược lại để đảm bảo có được giá chào thầu hợp lý phù hợp với năng lực của nhà thầu là điều mà các Chủ đầu tư nên tôn trọng. Áp dụng các quy định, hay hướng dẫn của nhà nước cũng cần có sự linh hoạt và hợp lý.