Về cách tính giá trị vật tư theo kiểu bù chênh lệch

Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…
Vấn đề này tôi đã nêu ra cách đây 3-4 năm rồi, diễn đàn của một số trang web cũng đã đăng bài của tôi, nhưng rải rác khắp nơi.
Hôm nay tôi đưa bài này vào đây với mụch đích để các bạn nào quan tâm có thể thuận tiện tìm hiểu thêm từ nguyên nhân đến bản chất của việc tính giá vật tư.
Việc tính giá trị vật tư theo kiểu bù chênh lệch được áp dụng từ thời bao cấp, sở dĩ phải tính chênh lệch giá là do thời đó nhà nước quản lý giá cả, mỗi một công việc có một đơn giá cố định, bất biến  theo thời gian, khi lập dự toán, quyết toán lấy theo giá gốc đó, chỉ vật tư nào phát sinh ngoài danh mục nhà nước quản lý mới được bù giá, sau này chuyển sang kinh tế thị trường, giá cả biến động hàng ngày nên đơn giá tính sẵn đương nhiên không còn phù hợp, việc áp dụng chênh lệch giá không còn ý nghĩa nữa.
- Phân tích 1 ví dụ: Lát 1 m2 gạch nền, giá vật tư gốc = a đồng, hiện nay là b đồng, cũng có thể là c đồng (do nhà sản xuất gạch tăng giá hoặc giảm giá sản phẩm, sử dụng gạch lát thương hiệu khác hay cùng thương hiệu nhưng là gạch loại A, loại B, loại C…
- Phân tích công thức tính giá trị vật tư:
Công thức tính giá trị vật tư (GTVT) theo kiểu bù chênh lệch sẽ là:
GTVT = a + a1 (*)
Trong đó: a = giá gốc ; a1 = Ch/lệch =  [Giá hiện tại] – a
Thay a1 = [Giá hiện tại] – a vào (*):
GTVT =  a + [Giá hiện tại] – a  = [Giá hiện tại]
Rõ ràng, kết quả biểu thức trên chỉ phụ thuộc giá vật tư hiện tại mà không phụ thuộc vào giá trị vật tư gốc (a1), và việc tính chênh lệch chỉ làm mất thời gian của cả người lập, người kiểm tra và người thẩm định.
Thế nhưng, một số anh em (ở một số ít c.ty, nhất là bên lãnh vực cầu đường), lại bỏ thời gian ra để kiểm tra chi tiết giá trị a1 (bao gồm việc kiểm tra đơn giá công việc và đơn giá vật tư gốc), trong khi nó không hề có vai trò gì trong kết quả, và có ai đó vẫn viện dẫn lý do này khác để bảo vệ cách tính này với lý do gì đó, nhưng theo tôi cách tính trực tiếp là hợp lý và phù hợp với cơ chế thị truờng.
Hiện nay, TP HCM và một số tỉnh đã ra thông báo cách tính giá trị vật tư với việc bỏ việc tính chênh lệch giá (bớt đi công đoạn vô nghĩa, mất thời gian là kiểm tra đơn giá vật tư gốc trong các hồ sơ dự toán).
Ví dụ theo phần thuyết minh, tại trang 2, đơn giá xd công trình tỉnh Phú Yên năm 2013 có nêu: "Căn cứ vào giá vật liệu thực tế tại từng khu vực, tại từng thời điểm để tính toán chi phí vật liệu thực tế và đưa trực tiếp vào khoản mục phí vật liệu trong dự toán".
Sắp đến, theo nguồn tin từ Bộ, Bộ xây dựng sẽ bỏ đi bộ đơn giá các tỉnh, chỉ sử dụng định mức, giá vật liệu sẽ lấy theo thị trường, khi đó phương pháp tính dự toán tương tự như tính dự toán đấu thầu và khái niệm chênh lệch giá sẽ không còn tồn tại nữa.

* * *
Xã hội luôn vận động và phát triển…
Không phải cái cũ nào cũng dở, và cái mới nào cũng hay. Từ trước đến giờ, dù đã nhiều cố gắng để hoàn thiện p/m nhưng tôi nhận thấy vẫn cần phải tiếp tục cải tiếnđể hoàn thiện hơn nữa, tuy nhiên sẽ là "cải tiến" thực sự về tính đơn giản và hiệu quả chứ không phải "cải lùi" (ví dụ như thêm chức năng bù chênh lệch vật liệu…, đó chỉ là hình thức), cho dù rất nhiều p/m khác chạy đua nhau để câu khách theo kiểu đó, thì với tôi, hôm qua, hôm nay vẫn là như thế, không vì thêm vài "khách hàng" mà làm cho p/m trở nên "dở hơi".
Trước đây tôi từng nhận được vài đề nghị giúp thêm vào p/m chức năng tính bù, chứ không đưa vào p/m dùng chung, khi đó tôi khuyên mấy anh em nên giải thích với đơn vị thẩm tra, thẩm định, CĐT về cách tính bù vật tư lòng vòng, phức tạp mà không chính xác, thời gian sau tôi nghe nói CĐT đã chấp nhận cách tính mới (tính trực tiếp). 
Vấn đề là cần có ai đó mở đường.
Cuối cùng thì, dù nhanh chậm, theo qui luật, xã hội vẫn luôn vận động và phát triển, PP lập dự toán cũng sẽ dần dần thay đổi theo hướng đơn giản và khoa học hơn, tùy thuộc vào độ lớn của sức ỳ, có thể 10 hay 15 năm sau, khi cách tính bù biến mất, thế hệ hậu bối, thậm chí chính chúng ta, khi đó, có lẽ sẽ có những nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn… 
Còn bây giờ, ý kiến cá nhân là như vậy, nhưng có thể với ai đó lại là "chưa thuyết phục" hoặc thế này, thế kia...
Bài viết nhằm trả lời một số bạn thắc mắc sao thấy có nơi tính chi phí vật liệu kiểu bù, có nơi tính trực tiếp, cũng là chia sẻ chút kinh nghiệm cá nhân với các bạn, nhất là các bạn mới vào nghề, để các bạn có thể sâu hơn, hiểu bản chất của việc tính chi phí vật liệu trong dự toán, từ đó lựa chọn cho mình một cách tính cũng như một công cụ (phần mềm nào đó) thích hợp, một cách tính hay không nhất thiết "giống như người ta bấy lâu nay", mà điều quan trọng nó có cho kết quả chính xác với 1 cách tính đơn giản và khoa học hay không? cũng vậy, một p/m hay không nhất thiết có thật nhiều chức năng, mà điều quan trọng nó có hỗ trợ người dùng cách tính đơn giản, khoa học mà chính xác hay không?
Cảm ơn và hẹn anh em ở những chủ đề tiếp theo./.