Thuyết minh bảng phân tích đơn giá

THUYẾT MINH BẢNG PHÂN TÍCH ĐƠN GIÁ
TRONG DỰ TOÁN DỰ THẦU
Khi lập hồ sơ đấu thầu, đề xuất, bảng phân tích đơn giá chi tiết, như sẽ phân tích dưới đây, là một trong những bảng quan trọng và không thể thiếu của phần giá dự thầu, đề xuất.

Bảng này có thể in kèm bảng giá dự thầu, cũng có thể chỉ được yêu cầu copy vào đĩa CD đính kèm theo hồ sơ dự thầu nhưng luôn luôn phải có.
Riêng bảng giá dự thầu thì bắt buộc phải in, nhưng thì lại rất đơn giản: [khối lượng] x [đơn giá] = [thành tiền] (theo mẫu 8B- thông tư 01-2010/TT-BKH, mẫu hs mời thầu hoặc thông tư 04-2010/TT-BKH mẫu hs chỉ định thầu), nên mình không phân tích ở đây.
Trong bảng giá dự thầu thì [đơn giá] là đơn giá tổng hợp, được chiết tính chi tiết đầy đủ các thành phần cấu thành nên, từ 1 bảng riêng, gọi là bảng phân tích đơn giá chi tiết. Khi sử dụng phần mềm thì thông thường các bạn cứ gọi lệnh là phần mềm đưa ra kết quả, nhưng vấn đề là người phụ trách việc lập hồ sơ thầu (ít nhất ở phần giá thầu), phải hiểu được tường tận các con số trong bảng tính từ đâu mà ra, vì sao lại thế này mà không phải thế kia...
Tóm lại, người phụ trách việc lập hồ sơ thầu, nhất là với các bạn nào mới “vào nghề”, cần phải hiểu được từ hình thức đến bản chất của bảng này. Vì có hiểu thì mới kiểm tra hay thuyết minh với CĐT, hay đôi khi cần tùy biến gì đó được.
Đó là lý do phần này mình sẽ phân tích chi tiết cấu tạo bảng phân tích đơn giá.
            Về cơ bản thì bảng phân tích đơn giá (từ đây viết tắt là PTĐG) ở địa phương nào cũng giống nhau (theo mẫu 9A- thông tư 01-2010/TT-BKH, mẫu hs mời thầu hoặc thông tư 04-2010/TT-BKH mẫu hs chỉ định thầu) nghĩa là từ 3 thành phần hao phí ban đầu là: Vật liệu, Nhân công, Ca máy và các định mức trực tiếp phí khác, chi phí chung, rồi thu nhập chịu thuế, rồi là chi phí lán trại, thuế VAT... để tính ra đơn giá tổng hợp cần hoàn thành 1 đơn vị sản phẩm, ví dụ: xây 1m3 tường gạch hết bao nhiêu tiền, đổ 1 m3 bê tông hết bao nhiêu tiền...
Tuy vậy, tùy từng địa phương mà cách tính nhân công, máy có thể khác nhau:
- Chi phí vật liệu: tính trực tiếp (không bù trừ), phần này đa số như nhau.
- Chi phí nhân công: tính trực tiếp, hoặc có nơi lấy đơn giá gốc nhân hệ số điều chỉnh.
- Chi phí máy: có nơi tính trực tiếp theo thông báo giá hàng tháng, có nơi nhân hệ số, có nơi lấy đơn giá gốc nhân hệ số điều chỉnh.
            Còn “phần đuôi” (thành phần và các hệ số định mức chi phí khác) là như nhau, chỉ khác giá trị.
Thuyết minh tính toán trong bảng PTDG:
I. Cấu tạo bảng PTDG:
Ví dụ: Gói thầu số 01 – XL, Xây dựng khối nhà A, trường phổ thông ....
Thời điểm lập hồ sơ dự thầu này là tháng 8/2014 nên áp dụng thông báo số 07/TB-SXD ngày 27/02/2013, v/v hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên:
Bảng phân tích đơn giá (Mẫu 9A- thông tư 01-2010/TT-BKH, mẫu hs mời thầu hoặc thông tư 04-2010/TT-BKH mẫu hs chỉ định thầu của bộ KH-ĐT).
Xem hình bảng PTDG ta thấy bảng có 8 cột, từ trái sang phải gồm:
+ Cột 1: Số TT của công việc.
+ Cột 2: Mã hiệu đơn giá (mỗi cv khác nhau có 1 mã hiệu đơn giá khác nhau, lấy trong bộ đơn giá từng tỉnh thành, giống như mỗi người có 1 số chứng minh nd riêng)
+ Cột 3: Mã số vật tư (tương tự, mỗi vật tư khác nhau có 1 mã số vật tư khác nhau, lấy trong bộ đơn giá từng tỉnh thành)
+ Cột 4: Tên c/việc và Thành phần hao phí, ứng với mã hiệu ở cột 2, mỗi loại công việc sẽ có thành phần hao phí riêng theo tính chất của loại công việc đó (cũng có thể khác nếu được sửa hoặc c/v vận dụng).
+ Cột 5: Đơn vị.
+ Cột 6: Định mức hao phí Vật liệu, Nhân công, Máy cho 1 đơn vị công việc (định mức phần xây dựng, lắp đặt, sửa chữa hiện hành của Bộ Xây dựng)
+ Cột 7: Đơn giá trước thuế (đơn giá VL, nhân công, máy tại thời điểm lập dự toán và tại chân công trình).
+ Cột 8: Thành tiền = [cột 6] x [cột 7]
Và có nhiều hàng để liệt kê các hao phí: VL, nhân công, máy và các khoản chi phí khác theo chiều dọc.
II. Cách tính giá trị các thành phần Vật liệu; Nhân công & Máy thi công:
1. Giá trị Vật liệu; Nhân công & Máy thi công:
Bảng phân tích đơn giá được xây dựng từ 3 thành phần chi phí trực tiếp là: 1. Vật liệu; 2. Nhân công; 3. Máy thi công và các khoản mục chi phí khác (phần đuôi).
1.1. Giá trị vật liệu = [Khối lượng định mức] x [Đơn giá vật liệu].
[Khối lượng định mức] = định mức phn xây dựng số 1776/BXD-VP, định mức phần lắp đặt số 1177/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng, định mức sửa đổi bổ sung phần xây dựng, lắp đặt số 1172, 1173/QĐ-BXD ngày 26/12/2012 của Bộ Xây dựng, định mức sửa chữa theo quyết định số 1129/QĐ-BXD ngày 07/12/2009 của Bộ Xây dựng).
[Đơn giá vật liệu] = Giá vật liệu trước thuế tại chân công trìnhtại thời điểm lập dự toán (th.../năm...), hệ số = 1. Lấy theo thông báo giá sở tài chính hoặc giá thị trường hoặc báo giá của nhà sản xuất, báo giá của đại lý cung cấp.
1.2. Giá trị nhân công: = [Định mức nhân công] x [Đơn giá ngày công] x [ k]
[Định mức nhân công] = Như phần vật liệu ở trên.
[Đơn giá ngày công] = Đơn giá 1 ngày công trước thuế (đơn giá XDCB số 50/QĐ-SXD ngày 24/5/2011 (phần xây dựng) và số 51/QĐ-SXD ngày 24/5/2011 (phần lắp đặt) của Sở XD tỉnh Phú Yên)
[k] = hệ số điều chỉnh nhân công (theo thông báo số 07/TB-SXD của Sở Xây Dựng Phú Yên ngày 27/02/2013).
1.3. Giá trị máy thi công: = m + CLnc + CLnl
Công thức tính chi phí máy theo thông báo số 07/TB-SXD của Sở Xây Dựng Phú Yên ngày 27/02/2013.
Trong đó:
* m :  Chi phí máy theo đơn giá = [Định mức ca máy] x [Đơn giá ca máy] x [hệ số = 1]
[Định mức ca máy] = Như phần vật liệu ở trên.
[Đơn giá ca máy] = Đơn giá 1 ca máy trước thuế.
* CLnc : Chênh lệch tiền lương thợ điều khiển máy:
CLnl  = [định mức ca máy] x [đơn giá chênh lệch tiền lương thợ điều khiển của từng loại máy trên 1 ca]
+ Định mức ca máy = cột 6.
            + Đơn giá ch.lệch tiền lương thợ điều khiển của từng loại máy trên 1 ca = cột 7.
Thành tiền chênh lệch: CLnc  = [cột 6] x [cột 7] = [cột 8].
* CLnl : Chi phí bù chênh lệch nhiên liệu – năng lượng:
CLnc  = [định mức ca máy] x [đơn giá chênh lệch nhiên liệu của từng loại máy trên 1 ca]
+ Định mức ca máy = cột 6.
+ Đơn giá chênh lệch nhiên liệu của từng loại máy trên 1 ca = cột 7.
+ Thành tiền chênh lệch: CLnc  = [cột 6] x [cột 7] = [cột 8].
- Cách tính ca máy thứ nhất:
Mỗi công việc có hao phí máy thi công sẽ có thêm các dòng tính chênh lệch tiền lương thợ điều khiển máy (CLnc) và các dòng tính bù chênh lệch nhiên liệu – năng lượng  (CLnl). (xem phần tính chi phí máy hình trên), sau đó cộng 2 thành phần này với đơn giá gốc 2006, cách này có ưu điểm là dễ hiểu, dễ kiểm tra vì trực quan, nhìn vào là thấy. Nhược điểm là “dài dòng”, nếu in thì tốn giấy.
Sử dụng phần mềm: Nhấn tổ hợp phím “Ctrl+q” sau khi kết xuất bảng PTĐG.
- Cách tính ca máy thứ hai (sẽ có trong phiên bản mới):
Các công việc có hao phí máy thi công sẽ không có thêm các dòng tính chênh lệch tiền lương thợ điều khiển máy và các dòng tính bù chênh lệch nhiên liệu – năng lượng nữa. Giá ca máy sẽ được tính ở 1 bảng riêng, giá này là tổng của 3 thành phần: giá gốc 2006 + chênh lệch  lương thợ điều khiển máy + bù chênh lệch nhiên liệu – năng lượng, sau đó đem gán sang bảng PTĐG (xem phần tính chi phí máy hình dưới), cách này có ưu điểm là gọn hơn, nhưng phải kèm theo bảng tính lại giá ca máy. 
  

            Sử dụng phần mềm: Nhấn tổ hợp phím “Ctrl+m” sau khi kết xuất bảng PTĐG.
Tuy hai cách tính khác nhau về hình thức nhưng về bản chất là giống nhau, cho cùng 1 kết quả. Bạn có thể tùy chọn 1 trong 2 cách đều được.
2. Cách tính các khoản mục chi phí cấu thành nên đơn giá tổng hợp:
Từ 3 thành phần chi phí trực tiếp là: Vật liệu; Nhân công; Máy thi công [VL + NC+  M] đã tính được ở trên, tính được các khoản mục “Trực tiếp phí khác” và “Chi phí trực tiếp”:
            - Trực tiếp khác [TTk] = [VL + NC+  M] x [tỷ lệ % trong thông tư 04/2010/TT]
            - Chi phí trực tiếp [T] = [VL + NC+  M + TTk]
Từ chi phí trực tiếp [T] và chi phí nhân công [NC] đã có, tính được “Chi phí chung”:
- Chi phí chung [C] = [T] x tỷ lệ %, hoặc [C] = [NC] x tỷ lệ %, (theo tỷ lệ % của trực tiếp phí (T) hoặc chi phí nhân công (NC), tùy loại công trình, qui định trong thông tư 04/2010/TT-BXD).
- Giá thành xây lắp = [T+C]
Các khoản mục khác: Thu nhập chịu thuế tính trước (TL); Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Chi phí xây dựng nhà tạm, lán trại): được tính theo định mức tỷ lệ %, qui định trong thông tư 04/2010/TT-BXD ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Bộ Xây dựng:
- Thu nhập chịu thuế tính trước [TL] = [T+C] x tỷ lệ %.
- Giá thành xây lắp trước thuế [Gxl] = [T+C+TL]
- Thuế giá trị gia tăng [GTGT] = [G] x tỷ lệ %.
- Giá thành xây lắp sau thuế [Gxl] = [G + GTGT].
- Chi phí xây dựng nhà tạm, lán trại: [Glt]= [G] x 1,1,x tỷ lệ %.
3. Đơn giá tổng hợp:
Đơn giá tổng hợp = [Gxl + Glt], là tổng của tất cả các khoản mục chi phí, đã bao gồm cả thuế VAT. là [đơn giá] trong bảng giá dự thầu./.
 
* * *
Trường hợp hồ sơ mời thầu yêu cầu thuyết minh bảng chiết tính giá dự thầu thì các bạn có thể tải file thuyết minh tại đây về rồi chỉnh sửa lại cho phù hợp và copy vào đĩa CD cùng với bảng tính giá dự thầu./.

Không có nhận xét nào: