| Cập nhật dự toán theo thông tư 09/TT-BXD | Một số hàm xử lý chuỗi trong excel |
Tuy Hòa 27/3/2025 , Ngo Tuan Anh
Chào anh em !
Đến hẹn lại lên, hôm nay mình trở lại blog và với bài viết này mình sẽ phân tích chi tiết nội dung về lỗi phát sinh không thể khắc phục nếu tính dự toán theo PP bù chênh lệch.
I. MÔ TẢ VẤN ĐỀ
Càng lúc, tính dự toán theo phương pháp bù chênh lệch càng bộc lộ những “dở hơi”, cụ thể là PP này vốn đã quá phức tạp, thì giờ đây đành phải “bó tay” khi có sự thay đổi định mức (chẳng hạn như thông tư 12/2021/TT-BXD, ngày 31/8/2021 và thông tư 09/2024/TT-BXD, ngày 30/8/2024).
Đã từ lâu, cũng 5-6 năm gì đó mình đã có những bài phân tích trên blog dự toán Tuấn Anh, chứng minh về phương pháp bù chênh lệch là PP không chính xác, phi logic. Nhưng ko hiểu sao, trên thực tế, nó vẫn tồn tại đến giờ.
PP này tuy rằng nó phức tạp, không chính xác, nhưng nếu không có sự thay đổi định mức thì vẫn có thể tạm áp dụng.
Nhưng cũng may, xã hội luôn vận động và phát triển, lãnh vực xây dựng cũng vậy, nhiều công nghệ mới được áp dụng trong thi công, dẫn đến việc các định mức xưa cũ không còn phù hợp phải điều chỉnh hoặc phải bổ sung các định mức mới (chẳng hạn như thông tư 12/2021/TTBXD, ngày 31/8/2021 và thông tư 09/2024/TT-BXD, ngày 30/8/2024).
Điều này vô tình dẫn đến một hệ quả là PP tính bù chênh lệch không theo kịp thời đại, dần dần không còn phù hợp và có thể sẽ biến mất trong một tương lai xa/gần thì chưa xác định được trước!
Vì điều kiện để có thể tính bù là: Định mức và đơn giá gốc phải bất biến theo thời gian. Còn khi định mức, đơn giá gốc đã thay đổi thì PP tính bù sẽ rối như tơ, thậm chí bất khả thi !.
II. PHÂN TÍCH CHI TIẾT
Để dễ hình dung, trước tiên mình hệ thống lại một số thông tin chính về các bộ định mức, đơn giá xây dựng:
- Định mức TT10: ban hành theo TT10/2019/TT-BXD, ngày 26/12/2019
- Định mức TT12: ban hành theo TT12/2021/TT-BXD, ngày 31/8/2021, thay thế định mức TT10.
- Định mức TT09: ban hành theo TT09/2024/TT-BXD, ngày 30/8/2024, sửa đổi, bổ sung một số định mức của TT12.
- Ngày 10/12/2020 UBND tỉnh Phú Yên ban hành bộ đơn giá XDCB theo quyết định 2059/QĐ-UBND, dựa trên cơ sở là định mức TT10 (2019) và đơn giá NC, ca máy Phú Yên 2020 theo các qđ 139, 140, sau đổi thành 152.
Định mức TT12 ban hành có ghi rõ:
Như vậy, từ 15/10/2021 (ngày TT12 có hiệu lực) thì cũng là thời điểm TT10/2019 hết hiệu lực.
Sau đó UBND tỉnh ban hành đơn giá sửa đổi, bổ sung theo QĐ 395/QĐ-UBND ngày 21/3/2022, tương ứng với TT12. Nhưng đơn giá này chỉ tính lại những công tác có thay đổi định mức theo TT12, áp giá VL, NC, máy tại thời điểm tính lại (2022), điều này dẫn đến 2 bộ đơn giá XD (2059 - năm 2020, và 395 – năm 2022) cùng song song tồn tại, và khi cùng áp dụng trong 1 dự toán, do không cùng 1 một mặt bằng giá gốc nên việc tính bù bắt đầu phát sinh những rắc rối không thể giải quyết.
Còn đợt này, sau khi TT09/2024 ban hành thì Sở XD không còn ban hành đơn giá tương ứng như quyết định 395, chỉ ban hành công văn 2190, nội dung là đơn vị lập dự toán tự điều chỉnh theo cách nào đó phù hợp, vì thực ra ban hành bộ đơn giá sửa đổi, bổ sung tương ứng chỉ càng làm phức tạp thêm, chẳng lẽ giờ thành 3 bộ đơn giá song song cùng tồn tại ? Rồi mai mốt cứ kiểu đó thì 4, 5, 6 bộ đơn giá khác nhau cùng tồn tại ?
Nhắc lại: Điều kiện để có thể tính bù là: Định mức gốc và đơn giá gốc phải là một đại lượng bất biến.
Về mặt qui phạm cũng không ổn: Đơn giá từ định mức mà ra, định mức TT10 hết liệu lực mà đơn giá 2059 vẫn còn áp dụng thì nó đã không đúng về mặt qui phạm văn bản pháp luật.
Tiếp theo mình sẽ phân tích “lỗi phát sinh” về mặt tính toán của PP này.
Trăm nghe không bằng một thấy, vậy nên mình sẽ lấy ví dụ với 1 công tác cụ thể cho nó trực quan dễ hiểu:
Bảng trên, là định mức hao phí của công tác AD.12310, “Thi công móng cấp phối đá dăm …”,
Ta để ý 2 cột “Định mức cũ” và “Định mức mới”, có sự thay đổi tăng giảm ở cả hao phí VL, nhân công, máy. Ngoài ra có bổ sung thêm 1 loại máy mới. (cột định mức cũ: trang 158 thông tư 10/2019, cột định mức mới: trang 25 thông tư 09/2024).
Giả sử không có sự thay đổi định mức, thì việc tính chênh lệch NC sẽ như bảng sau:
Công thức tính là: [Khối lượng]x[(Đơn giá hiện tại) – (Đơn giá gốc)]
Trong đó [Khối lượng] là đại lượng
bất biến nên được đặt làm thừa số chung, từ đó phép tính trở nên đơn giản, khả
thi.
Nhưng với dữ liệu trên, khối lượng nhân công giảm 6 công / 1 đơn vị công việc, vậy khi tính bù thì 6 công giảm này sẽ tính như thế nào. Tách riêng để tính ? Nên nhớ trong 1 dự toán có nhiều công tác, để tính bù thì phải tổng hợp tổng KL hao phí NC của tất cả các công tác, làm sao để xác định hao phí giảm của một số công tác trong đó ? Giả sử có tách được KL nhân công giảm thì cũng quá rắc rối.
Rồi nhóm nhân công cũng thay đổi, từ “Nhân công 3,0/7, nhóm 4” thay đổi thành “Nhân công 3,0/7, nhóm 2”. Điều này cũng ảnh hưởng giá trị chênh lệch nhưng tạm thời chưa phân tích kỹ.
Tương tự với phần Vật liệu, Máy. Phần Vật liệu, Máy còn phức tạp hơn vì:
+ Có nhiều hao phí (nhân công chỉ có 1).
+ Có tăng, có giảm.
+ Có % VL khác, máy khác.
Việc xử lý dường như bất khả thi !
Nhắc lại: Điều kiện để có thể tính bù là: Định mức gốc (TT10 - năm 2019) và đơn giá gốc (2059 - năm 2020) phải bất biến theo thời gian.
Đó là mình mới chứng minh với một công tác điều chỉnh định mức. Trường hợp công tác bổ sung mới (tức không có trong bộ đơn giá gốc) thì lấy đâu dữ liệu gốc mà tính bù ? Đừng nghĩ đơn giản chỉ cần cho đơn giá gốc = 0, sai bét nhé anh em. Nghĩ kỹ lại đi, trong 1 dự toán có nhiều công việc, nhưng chỉ có vài công tác bổ sung mới, khi tổng hợp vật tư vẫn đủ KL vật tư, NC, máy tất cả các công tác, nhưng ở bảng đơn giá thì đơn giá và thành tiền nhưng công tác bổ sung đang = 0 !!! nên nhớ vậy. Và tình huống này sẽ dẫn đến kết quả không thể tính bù chính xác.
Bảng trên: PP chiết tính trực tiếp.
III. LỜI KẾT
Vì sự phát triển của xã hội cũng như của ngành XD, hãy mạnh dạn áp dụng PP tính trực tiếp (chỉ cần lấy KL nhân đơn giá) thay cho PP tính bù chênh lệch, vì PP tính bù rất lạc hậu, không chính xác, nếu không muốn nói không thể áp dụng được khi có sự thay đổi hay bổ sung định mức.
Albert Einstein từng nói: “Thay đổi tính chất một nguyên tố hoá học còn dễ hơn thay đổi bản chất của một con người”.
Việc thay đổi một cách tính, một thói quen có từ lâu cũng tương tự. Tuy nhiên, theo qui luật tiến hóa, mọi thứ đều có thể thay đổi, chỉ là nhanh hay chậm thôi, hy vọng vậy !
* * *
Trao đổi, liên hệ cài đặt p/m dự toán: ĐT/Zalo: 0919.410.280