LẬP DỰ TOÁN KHI CHƯA CÓ BỘ ĐƠN GIÁ

Nhiều đơn vị vướng khi thực hiện quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo nghị định 68/NĐ-CP.
(Xem chi tiết TẠI ĐÂY)
 * * *
Từ 15/2/2020, bộ định mức XDCB mới 2019 (ban hành theo thông tư 10/TT-BXD ngày 26/12/2019) bắt đầu có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc bộ định mức và đơn giá hiện đang sử dụng hết giá trị sử dụng trên toàn quốc.
Trong khi ở thời điểm hiện tại (và có thể ít nhất vài tháng tiếp theo), chưa có bộ đơn giá theo định mức mới (vì Sở XD địa phương còn phải xây dựng, phê duyệt, ban hành).
Vậy trong khoảng thời gian đó các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng lập dự toán, dự thầu bằng cách nào ? Các phòng ban của Chủ đầu tư thẩm định, quản lý chi phí như thế nào ?
Bài viết này sẽ phân tích chi tiết các nội dung liên quan và đề xuất giải pháp cho vấn đề.
Phạm vi bài viết: PP lập dự toán khi chưa có bộ đơn giá và một số ý kiến về thông tư 09/TT-BXD.
Thời điểm: Tháng 2/2020.
I. Lập dự toán khi chưa có bộ đơn giá:
Thời điểm hiện tại (02/2020), Sở XD chưa công bố bộ đơn giá theo định mức mới. Dự kiến ít nhất sau 3-4 tháng gì đó, vì vậy để lập dự toán trong khi chưa có đơn giá của Sở XD  địa phương thì các đơn vị có thể lập theo định mức xây dựng mới 2019, ban hành theo thông tư số 10/2019/TT-BXD, thông tư 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng và đơn giá ngày công, ca máy địa phương đã có (đang hiện hành).
+ Chi phí vật liệu: Kết xuất bảng giá trị vật tư để có giá trị vật tư (A). (như trước đây).
+ Chi phí nhân công, máy: Vì chưa có đơn giá của địa phương nên phương pháp thay thế là tình theo định mức: Sau khi Kết xuất bảng giá trị vật tư, trong bảng GTVT sẽ có 1 nút nhấn “Gia tri NC – May”, ở phía trên – phải bảng này, nhấn vào đó để có kết quả (Chi phí nhân công, máy).
    + Giá trị nhân công = [ KL ngày công ] x [ Đơn giá ngày công ] (B)
    + Giá trị máy thi công = [KL ca máy ] x [ Đơn giá ca máy ]  (C)
Phương pháp tính dự toán này đã được đề cập trong thông tư 09/TT-BXD, 26/12/019, nội dung và biểu mẫu tại các trang từ 35-38 (các văn bản pháp luật trước cũng có nhưng không rõ ràng nên khó vận dụng). Nội dung này đã mở ra một lựa chọn cho các đơn vị TVTK khi các địa phương chưa (hoặc thậm chí không) ban hành bộ đơn giá tính sẵn.
Và dự đoán trong khi chưa ban hành đơn giá mới, thì sắp tới đây SXD sẽ có thông báo hướng dẫn lập dự toán theo cách trên.
Khi Sở XD địa phương ban hành đơn giá mới, chúng tôi sẽ cập nhật lại dữ liệu và phương pháp tính.
Một điểm đáng lưu ý trong biểu mẫu "Tổng hợp chi phí xây lắp" theo thông tư 09/2019/TT-BXD (bảng 3.1 – phụ lục 3, trang 30, hay bảng 3.8, trang 38), là tuyệt nhiên không còn thấy đề cập đến thành phần "Chênh lệch vật liệu" như trước đây nữa. Có lẽ phương pháp tính bù chênh lệch vật liệu đã đến lúc đi vào dĩ vãng vì nó quá phi khoa học, lạc hậu và không chính xác, vấn đề này tôi đã có những bài viết phân tích chi tiết  cùng với dự đoán từ cách đây khoảng 10 năm (một trong số đó anh em có thể đọc tại đây). Điều này là rất tốt cho cộng đồng xây dựng nói chung và nhất là anh em kỹ sư định giá xây dựng, tiết kiệm nhiều thời gian và tài nguyên cho xã hội (giấy tờ in ấn).
PP đơn giản và chính xác nhất là: Giá trị vật tư tính trực tiếp, không tính bù.
Hình ảnh minh họa một dự toán chạy thử PP tính dự toán theo định mức mới, khi chưa có đơn giá:






Tham khảo file dự toán tính theo định mức: TẠI ĐÂY
Video minh họa lập dự toán theo định mức (khi chưa có bộ đơn giá): Upload sau. 
Chúng tôi vẫn đang tiến hành cập nhật định mức và hoàn thiện các chức năng theo cách tính mới....
II. Một số ý kiến nhận xét về thông tư 09/TT-BXD:
Một cách khách quan, sau khi đọc lướt qua (vì quá dài), để xem thử có gì mới không tôi nhận thấy một số điểm như sau:
+ Những cái mới, cái được:
Như đã nêu ở phần trên thì cái được đầu tiên là đã mở ra một phương pháp tính dự toán mới đó là tính theo định mức, người lập dự toán giờ đây đã có thêm lựa chọn, không còn cảnh thụ động ngồi chờ như trước đây, trước đây họ bị phụ thuộc 100% vào bộ đơn giá tỉnh thành. Tỉnh chưa ban hành đơn giá thì chỉ biết ngồi chờ.
+ Những cái chưa được:
Như một thông lệ trước nay, khi đọc các văn bản trong xây dựng người đọc đều rất ngán ngẩm vì nó rất phức tạp, tràng giang đại hải, sau khi đọc xong hàng trăm trang giấy người đọc phải tự hỏi chính mình: Vậy cái văn bản này cuối cùng cô đọng lại được những gì?
Và điều mà họ quan tâm, tìm kiếm, có khi là một bảng định mức hao phí hay đơn giản là một vài nội dung nào đó, trong một rừng những chương, điểm, mục, bảng biểu, công thức….
Trở lại với thông tư 09/2019/TT-BXD:
Còn đó những qui định lập lại về nội dung trong cùng một văn bản hoặc với các văn bản khác
Ví dụ cụ thể:
Trong cùng thông tư 09/2019, các định mức của các khoản mục chi phí khác như: Chi phí gián tiếp (chi phí chung, chi phí lán trại, chi phí không xác định được từ th/kế,…), ch phí thu nhập chịu thuế, đã được qui định rõ tại các bảng 3.7 đến 3.11, trang 40-44.
Trong khi đó, ngay sau các qui định cụ thể này, từ trang 45 về sau, hơn 60 trang, là một rừng những "hướng dẫn" khác về phương pháp khảo sát, tính toán định mức các chi phí này, không hiểu để làm gì ?
Câu hỏi là: Vậy cuối cùng khi lập dự toán, các định mức hao phí này, đơn vị tư vấn sẽ lấy theo qui định tại các bảng 3.7 đến 3.11, trang 40-44, hay tự đi khảo sát, thu thập số liệu thực tế để sàng lọc, tổng hợp và tính tóan ra như hướng dẫn ở phần sau?
Các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng, họ chỉ cần các qui định cụ thể rõ ràng, đơn giản để áp dụng, và trên thực tế từ trước đến nay, có thể khẳng định: 100% các đơn vị tư vấn lập dự tóan đều dựa trên các qui định cụ thể của Bộ XD như định mức vật tư, định mức chi phí khác, đơn giá của Sở XD địa phương, không có đơn vị  nào tự đi khảo sát, tính toán định mức, đơn giá vì nó mất thời gian, lại mang tính cảm quan nên rất khó để phê duyệt.
Vì vậy việc "hướng dẫn" tràng giang đại hải là không cần thiết, thậm chí gây chồng chéo với các qui định đã có trong cùng 1 văn bản.
Và với văn bản khác: Tương tự trên, thông tư 10/2019 công bố định mức xây dựng (bản chính thức ký mộc đỏ chót, ban hành cùng thời điểm với thông tư 09/2019), trong khi đó thông tư 09, phụ lúc số 6, số 7, trang 66-94… lại hướng dẫn xây dựng định mức, cứ như thể là định mức xây dựng (thông tư 10/2019) chưa được ban hành. Những "hướng dẫn" trên là thừa, không cần thiết.
Ngoài ra là PP xác định giá xây dựng, chi phí quản lý dự án cũng tương tự…
Vẫn còn đó nhiều nội dung phức tạp, cao siêu, và không cần thiết
Rất nhiều những công thức toán học phức tạp, cao siêu đến mức người đọc không thể hiểu dược, xa rời thực tế, ví dụ công thức tính dự phòng trượt giá (trang 8), đã là dự phòng một vấn đề chưa xảy ra, vì nó chỉ xảy ra trong tương lai, thi làm sao ai biết chính xác được mức biến động là bao nhiêu, vậy sao không lấy một tỷ lệ cụ thể nào đó theo tính chất công trình và thời gan thi công (quí, năm) cho đơn giản?, phương pháp tính toán dù có phức tạp và cao siêu cỡ nào cũng không bao giờ là chính xác, những công thức đó nên dành cho các viện nghiên cứu, viện hàn lâm thì phù hợp hơn.…
Và vẫn còn đó những khái niệm, những cụm từ trừu tượng, mơ hồ
Chẳng hạn như "đơn giá tổng hợp không đầy đủ", "đơn giá tổng hợp đầy đủ"… được nêu ra mà không có định nghĩa.
Thế trên đây đây là một số nhận xét cả nhân của người đọc về TT09, mọi người tham khảo thêm, những gì mới và cần thiết thì nhớ để áp dụng, ngược lại có thể lướt nhanh cho nhẹ bộ nhớ.
* * *
Tuy Hòa, 03/02/2020 - Ngô Tuấn Anh

Không có nhận xét nào: