Đình TÂN ĐÔNG - ngôi đình cổ ở miền Tây

[Kiến trúc – xây dựng]

Cùng thể loại: | Những bản phác thảo 3d bằng tay | Quá trình xây dựng tháp Eiffel qua ảnh | Công trình kiến trúc bằng tre |

Với lối kiến trúc cổ từ hàng trăm năm nay, đình Tân Đông là một ngôi đình “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam bởi toàn bộ đình cổ được bao bọc bởi một cây bồ đề với hàng trăm búi rễ ôm trọn thân đình.
Ngôi đình Tân Đông từng nhận được sự ưu ái của Thái hậu Từ Dũ vì đây là quê hương của bà. Chính vì thế, năm 1904, bà Từ Dũ đã cho dời ngôi làng từ vị trí hẻo lánh ra mảnh đất đắc địa ngày nay.
Tuy nhiên, do gặp thiên tai nên mãi đến năm 1907, ngôi đình mới được an vị tại địa điểm này. Để đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật, bà Từ Dũ đã cho mời thợ từ Huế vào đây để thi công. Do vậy, những dấu tích chạm khắc còn sót lại trên các đầu cột kèo tại đình đều mang nét truyền thống của nhà rường Huế.
Qua lời kể của những vị cao niên còn sót lại trong làng, thời hoàng kim của ngôi đình gắn liền với những hội hè, lễ tế thu hút cả ngàn lượt người khắp cả vùng về hội tụ, vui chơi vào các ngày lễ hội trong năm.
Những buổi xướng ca không chỉ diễn ra một buổi mà còn kéo dài nhiều ngày. Bò, lợn được giết mổ liên tục để làm lễ tế và khao khách tham dự. Nhưng rồi thời cuộc biến động, ngôi đình chỉ còn một dấu ấn buồn như hôm nay…
Nhưng trong số phận tàn lụi của ngôi đình, đã xuất hiện điều kì điệu. Đó chính là sự xuất hiện của những cây bồ đề bám vào ngôi đình.
Trên đỉnh của ngôi đình, 3 cây bồ đề đã mọc vươn cao lên và vươn rễ cây ra để bám vào tường.


Chính những rễ cây này đã trở thành cột, thành kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ vững ngôi đình tồn tại đến hiện nay. Một số rễ chạy dài theo các rường của mái đình, tạo thành những giá đỡ song song để phần mái, cột đã mục gần hết vẫn không bị sụp xuống.

Khoảng năm 1990, một cây bồ đề mọc phía bên phải mái đình bị một số người đến gỡ về làm cảnh. Chẳng hiểu sao, những người sống quanh đình đều nằm mộng và sáng sớm ra đình can ngăn mấy kẻ tham lam nhờ phát hiện kịp thời nên giữ lại được hai cây. Hai cây bồ đề được người dân giữ lại và canh chừng cẩn thận. Với người dân nơi đây, bồ đề được xem như hai cây thần vừa canh gác đình vừa làm nhiệm vụ nâng đỡ đình vượt qua thời tiết khắc nghiệt, gió bão triền miên.