Thảo luận về công trình xây dựng vốn Nông thôn mới

 25/03/2021

Chi phí giám sát, lập hồ sơ hoàn công, chất lượng công trình "đường giao thông nông thôn mới" tính vào đâu ? 


- Các công trình vốn nông thôn mới. Khi lập dự toán Hố sơ xây dựng cắt bỏ hết toàn bộ chi phí. Chỉ lấy chi phí trực tiếp VL+NC+MTC.

- Thi công giao cho nhóm thợ, đội thợ.

- Nhưng thi hoàn thành công trình: Bên chủ đầu tư, kêu làm hồ sơ hoàn công, làm hồ sơ nghiệm thu công trình, kể cả làm thí nghiệm vật tư đầu vào....

Như vậy những chi phí phát sinh này lấy từ đâu, Bên nhóm thợ ăn bớt vật tư để làm...

Theo anh chi, làm sao cho đúng ?

Vấn đề rất thực tế của bạn sang***@gmail.com

* * *

Tài liệu tham khảo và viện dẫn: thông tư số 13/2019/TT-BXD, ngày 26/12/2019. Quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong thông tư 13/2019 thấy có ghi: “ưu tiên việc sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, vật liệu, nhân công, máy tại địa phương”, vậy nên khoán cho nhóm thợ cũng được nhưng nếu không tính thêm chi phí làm hồ sơ sẽ dẫn đến việc bên nhóm thợ ăn bớt vật tư là đương nhiên...

Một công trình "đường giao thông nông thôn mới" hình như không thấy bóng dáng giám sát ở đâu, nhưng sau đó hồ sơ vẫn ‘đẹp’ như thường!

Làm xong công trình mới làm hồ sơ hoàn công, làm hồ sơ nghiệm thu công trình, làm thí nghiệm vật tư đầu vào... Vậy là hình thức, hợp lý hóa hồ sơ, thứ nhất là sai trình tự, thứ hai không đảm bảo chất lượng công trình, vì không có nguồn chi phí để làm hồ sơ hoàn công, chất lượng, thì một là đội thi công tự lo chi phí thì họ sẽ ăn bớt vật tư, làm ẩu… để bù vào chi phí này, hai là đội thi công đi nhờ pháp nhân của 1 đơn vị khác làm và ký hồ sơ thì bên pháp nhân (đương nhiên cũng sai, vì hồ sơ làm sau công trình), mà họ cũng không có chi phí riêng nên phải ăn lại một phần của đội thợ, đội thợ lại ăn bớt vào công trình…

Còn công tác giám sát, quản lý: Chủ Đầu tư có thể tự quản lý hoặc thuê tổ chức, cá nhân đủ năng lức để giám sát độc lập, nhưng bên giám sát sẽ không thể tự làm hồ sơ, vì hồ sơ phải có người đại diện thi công có tư cách pháp nhân ký, chứ một ông thợ hồ sao ký hồ sơ và chịu trách nhiệm về chất lượng.

Tóm lại là có mấy vấn đề:

1. Chi phí giám sát:

Trong thông tư 13 có nêu:

“Chi phí quản lý dự án được xác định bằng 2,763% chi phí xây dựng và chi phí thiết bị…”

“Chi phí giám sát thi công xây dựng xác định bằng 2,566% chi phí xây dựng…”

=> Đã có nguồn kinh phí nên Chủ đầu tư có thể thuê giám sát cộng đồng hoặc đơn vị giám sát độc lập hoặc thành lập tổ / ban quản lý dự án..

2. Chi phí lập hồ sơ hoàn công, chất lượng:

Thông thường là trách nhiệm của nhà thầu (nằm trong % chi phí chung của nhà thầu), nhưng đã cắt bỏ vai trò và chi phí của nhà thầu thì chỉ còn cách phân bổ vào chi phí khác: “Chi phí khác được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền…” (trích thông tư 13)

=> Chủ đầu tư nên tính thêm chi phí này, cụ thể là trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự toán công trình nếu có thì tính chi phí chung hoặc chi phí khác, sau đó ở bước thi công thì khoán thêm phần việc này cho cá nhân hoặc nhà thầu đại diện bên thi công làm hồ sơ chất lượng, (có tư cách pháp nhân, có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm, tham gia xuyên suốt công trình), giá theo thỏa thuận, nhỏ hơn dự toán để khỏi phát sinh là được, nếu khoán hết cho đội thợ cũng là không hợp lý vì đội thợ không có chuyên môn, pháp nhân.

3. Trách nhiệm

Giả sử công trình hư hỏng hay cần sửa chữa, bảo hành chẳng lẽ gọi đội thợ đến sửa? Họ sẽ cãi cùn ngay, kiểu như “Chúng tôi làm có giám sát của ban, của cộng đồng, công trình đã nghiệm thu bàn giao xem như chúng tôi hết trách nhiệm, còn bảo hành là gì tôi không biết !”. Còn nếu đổ trách nhiệm cho bên ký hồ sơ hoàn công chất lượng thì họ sẽ cãi: “Tôi chỉ là người ký giúp hồ sơ (vì đang phụ thuộc hay được hứa hẹn hay đang mong chờ một cái gì đó), có ăn uống gì đâu sao giờ bắt tôi chịu trách nhiệm?”. Huề cả làng.

Thực tế các công trình như đường giao thông nông thông thường hư hỏng, xuống cấp rất nhanh, lý do là vì không có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng với cá nhân hay đơn vị nào.

* * *
Vài ý kiến trao đổi, nhưng để một vấn đề đi vào cuộc sống thì nó phụ thuộc hoàn toán vào sự ràng của văn bản luật và cách nghĩ và cách làm của Chủ đầu tư./.
* * *

Link thông tư số 13/2019/TT-BXD, ngày 26/12/2019

Không có nhận xét nào: