Một số phân tích và trao đổi liên quan cách tính giá trị vật liệu và bộ đơn giá tính sẵn các địa phương

[Tổng hợp một số ý kiến trao đổi]

    * HỎI THĂM VỀ ĐỘ SỤT CỦA CÁC CÔNG TÁC BÊ TÔNG

Một số bạn hỏi thăm về độ sụt các công tác bê tông trong phần mềm ?

Độ sụt các công tác bê tông phụ thuộc biện pháp thi công (đổ bằng thủ công, hay cầu cẩu, bơm), trong phần mềm dự toán Phú Yên sử dụng độ sụt như sau:

- AF.1xxxx (trộn bằng máy, đổ thủ công): sử dụng vữa BT có độ sụt 2-4cm;

- AF.2xxxx (đổ bằng cần cẩu): độ sụt 6-8cm;

- AF.3xxxx (đổ bằng bơm bê tông): độ sụt 14-17cm. 

* THẮC MẮC VỀ NHÂN CÔNG ĐIỀU KHIỂN MÁY

Anh ơi em có thắc mắc này chưa hiểu anh giải thích giúp em với. Trong 1 số máy thi công có nhân công điều khiển máy là thợ điện mà em tìm trong thông tư 15/TT-BXD định mức nhân công điều khiển không thấy, không biết tính như thế nào ạ?

Trước đây anh cũng thắc mắc vậy mà ko thấy chỗ nào giải thích, sau này anh tự hiểu ra... Ví dụ lắp cái quạt trần, thì chi phí chủ yếu nằm trong nhân công (thợ điện) lắp cái quạt, còn chi phí máy khoan rất là ít (cũng chính ông thợ điện đó nhưng chỉ khoảng 5 phút để khoan vít) nên ng/ta ko tách và tính thêm chi phí nhân công điều khiển máy nữa, chi phí đó ko mất đi, nó đã được tính vào trong chi phí nhân công lắp đặt rồi.

    * MỘT SỐ THẢO LUẬN VỀ CÁCH TÍNH GIÁ TRị VẬT LIỆU

Xưa nay vẫn có 2 cách tính giá trị vật liệu cùng tồn tại song song:

1. Tính bù chênh lệch (lấy giá gốc cộng chi phí chênh lệnh), và:

2. Tính trực tiếp theo giá hiện tại.

Thông báo số 278/TB-SXD ngày 11/12/2020 của Sở XD địa phương chỉ đề cập cách tính 1:

Trong khi thông tư 09/2019/TT-BXD của Bộ XD (phụ lục 3) chỉ hướng dẫn cách tính 2:

Cả 2 cách tính trên, về lý thuyết đều đúng và đều có thể áp dụng được. Nhưng trên thực tế sẽ có những vấn đề như sau và sẽ tùy theo loại dự toán để chọn cách tính phù hợp:

1.  Về cách tính bù chênh lệch:

Nếu giá trị vật liệu không biến động thì cách tính này sẽ đơn giản hơn, vì khi đó giá trị CLvl = 0, không phải tính. Giá trị vật liệu lấy theo giá gốc trong bộ đơn giá (ở sheet bảng khối lượng).

=> Nếu là dự toán khảo sát: Vật liệu khảo sát đa số là vật liệu chuyên ngành, ít hoặc không biến động, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khi đó giá trị CLvl xem như = 0, thì có thể lấy theo giá gốc trong bộ đơn giá (ở sheet bảng khối lượng).

2. Về cách tính trực tiếp:

Đây là cách tính cả thế giới đang sử dụng, trừ một vài nơi nào đó, cách tính này có hướng dẫn tại bảng 3.5 và bảng 3.1 - phụ lục 3, thông tư 09/2019/TT-BXD:

Nếu tính theo cách 1 (bù trừ) sẽ phải tính giá trị CLvl :

CLvl = KLVL*([Đơn giá vật liệu hiện tại] – [đơn giá gốc])

(KLVL = khối lượng vật liệu)

Sẽ rất phức tạp và chỉ gần đúng, vì chỉ tính được giá trị chênh lệch vật liệu chính, chưa có giá trị chênh lệch của vật liệu khác (như các công tác bê tông, lắp đặt…, theo qui định trong định mức BXD thì Giá trị VL khác = tỷ lệ % VL giá trị chính), không thể tính đúng, tính đủ giá trị vật liệu khác. Ngoài ra, phải kiểm tra đơn giá gốc theo bộ đơn giá, đơn giá VL gốc, đơn giá VL hiện tại và các phép tính bù trừ…

Còn tính trực tiếp sẽ đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị vật liệu khác, đồng thời thuận tiện cho cả người lập, kiểm tra vì chỉ cần kiểm tra giá vật liệu hiện tại.

=> Nếu là dự toán xây dựng: có rất nhiều loại vật liệu và đơn giá vật liệu biến động liên tục thì cách tính trực tiếp là phù hợp nhất.

Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính mà nhà nước từ trung ương đến địa phương đang kêu gọi, Tuấn Anh phân tích và đưa ra ý kiến khuyến nghị rất thực tế như trên để mọi cá nhân doanh nghiệp có lựa chọn phù hợp nhất, góp phần cải thiện cách tính dự toán ngày càng đơn giản hơn.

* MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ BỘ ĐƠN GIÁ CÁC TỈNH THÀNH

    Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước, (nói chung chứ không riêng địa phương nào), đúng nghĩa là tư vấn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện công việc của mình được thuận lợi nhất chứ không nên (nói thẳng là không được) đặt ra hay ban bố những gì không cần thiết, chẳng hạn như bộ đơn giá tỉnh thành. Vì nó phức tạp và sẽ lỗi thời ít nhất là trong tương một lai gần.

    Quản lý, điều hành hoạt động xây dựng cũng như quản lý, điều hành một trận banh trên sân cỏ. Ban tổ chức và trọng tài không có quyền can thiệp vào lối chơi của từng đội, luật đã có, vạch vôi đã kẻ, cứ thế mà đá, ai phạm luật hay để banh ra ngoài vạch vôi là tuýt còi, vậy thôi, việc gì phải cưỡng ép các đội đá theo một sơ đồ bất biến.

    Tương tự vậy, trong xây dựng, các đơn vị tư vấn, thẩm tra, thẩm định, đã hưởng tiền tư vấn thì cứ căn cứ vào định mức (đã có), đơn giá VL, NC, Máy (đã có), thông tư hướng dẫn của BXD cũng đã có, văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn địa phương cũng đã có, vậy là đủ cơ sở để định giá công trình rồi. Vậy việc ban hành bộ đơn giá có cần thiết không?.

    Phân tích một chút về các bộ đơn giá các tỉnh thành:

    Lịch sử hình hình thành và ‘ra đi’ của các bộ đơn giá XDCB (các tỉnh thành khác đều tương tự nhau), ví dụ ở Phú Yên:

    - Đơn giá XDCB 764 năm 1999 (trước đó là gì thì không nhớ): Tình trạng: Đã ‘ra đi’ (đã bãi bỏ) trong âm thầm lặng lẽ;

    - Đơn giá 1102-1104 năm 2006: Tình trạng tương tự;

    - Đơn giá 167-168-169-171 năm 2016: Tình trạng tương tự;

    - Đơn giá 132 năm 2018: Tình trạng tương tự;

    - Đơn giá 2059 năm 2020: Đang hiện hành (nhưng không biết đến bao giờ).

    Thực tế qua hàng chục năm, chứ không phải một ngày một bữa, đã cho thấy: Các bộ đơn giá cuối cùng đều ‘âm thầm lặng lẽ ra đi’.

    Vì sao vậy? 

    Nguyên nhân chính như sau:

    Đơn giá VLNC-MÁY thay đổi hàng ngày theo sự vận động và phát triển của xã hội, định mức thay đổi theo biện pháp thi công, công nghệ mới, vì thế các con số cố định, bất biến sẽ không còn đúng như tại thời điểm tính toán. Thậm chí ngay sau khi ban hành đã phải điều chỉnh. Vì từ khi tính toán đến phê duyệt, ban hành mất hàng tháng, khi đó giá cả thay đổi nên khi ban hành phải điều chinh, rồi một số công tác định mức cũng phải điều chỉnh theo biện pháp thi công, công nghệ mới, hóa ra bộ đơn giá không còn đúng và không còn giá trị, dẫn đến bãi bỏ, lãng phí tài nguyên.

    Cụ thể:

    - Đơn giá vật liệu: 

    Nếu đơn giá và định mức tất cả các loại vật liệu là bất biến tuyệt đối theo thời gian thì con sô đơn giá VL trong bộ đơn giá là đúng, không tranh cãi. Nhưng thực tế thì ngược lại, vậy nên giá trị đơn giá vật liệu không còn đúng, phải tính lại. Mà đã tính lại thì cần gì bộ đơn giá.

    - Đơn giá nhân công, máy:

    Tương tự, nếu đơn giá và định mức nhân công, máy tât cả các loại công tác là bất biến tuyệt đối theo thời gian thì con sô đơn giá NC, Máy trong bộ đơn giá là đúng. Nhưng thực tế thì ngược lại, tùy thuộc biện pháp thi công mà định mức NC, máy có thể thay đổi hoặc bỏ đi. (Tại điều 15 – Nghị định 68/NĐ-CP; điều 17 – Thông tư 09/T-BXD: nếu định mức gốc không có thì xây dựng định mức mới hoặc điều chỉnh thành phần hao phí trong định mức để phù hợp với điều kiện và biện pháp thi công, công nghệ thi công).

    Ví dụ công tác “Đóng trần thạch cao”, thực tế công tác này gia công lắp dựng tại hiện trướng, không như công tác GCLD cửa gia công tại xưởng, lắp tại hiện trường, nên công gia công + lắp dựng trần thường được tính chung vào giá thành sản phẩm (=….đ/m2 thành phẩm) chứ không tách riêng công lắp dựng, nên thành phần hao phí nhân công gia công + lắp dựng trong định mức có thể bỏ. Nếu tính theo bộ đơn giá: Nhập mã, nhảy ra đơn giá nhân công gia công + lắp dựng =….đ/m2, nếu để thì làm tăng chi phí, bỏ thì không đúng với bộ đơn giá, nhiều anh chị em chưa có kinh nghiệm hay để nguyên đơn giá nhân công, làm giá trần /1m2 cao hơn nhiều so với thực tế. 

    Hoặc công tác “GCLD xà gồ thép”, Phần định mức có hao phí: Cần cẩu ô tô 10T, thực tế nhiều hạng mục công trình nhỏ lẻ như nhà xe, nhà vệ sinh, mặt bằng chật hẹp, vướng víu dàn giáo, cây chống… xe cẩu không hoạt động được, trong khi cây xà gồ thì chỉ vài chục kg, 1 hoặc 2 công nhân có thể đưa lên bằng tay. Vậy có thể bỏ chi phí cần cẩu. Trường hợp này nếu tính theo bộ đơn giá sẽ phải ngồi tính lại giá ca máy? Rất phức tạp. Còn tính theo định mức chỉ cần cắt bỏ dòng máy này đi là xong. 

    Ngoài ra đơn giá NC, nhiên liệu chạy máy cũng liên tục biến động, vậy nên theo thời gian, đơn giá NC, Máy không còn đúng, phải tính lại rất khó khăn, còn để như đơn giá thì không phù hợp thực tế thi công phải nhân hệ số hay bù chênh lệch rất phức tạp.

    Một số phần mềm dự toán nhân cơ hội, thừa nước đục thả câu, lợi dụng triệt để các qui định, văn bản này, xem như bửu bối của tề thiên đại thánh, để quảng cáo theo hướng lập dự toán giờ nó phức tạp vậy đó, phải dùng phần mềm có tính năng này kia... mới làm được, thực chất mục đích là bán cho nhiều sản phẩm, chứ lâp dự toán nó không phức tạp như vậy.

    Về thực chất lập dự toán nhà nước hay nhà dân cũng như nhau, sao lập dự toán nhà dân đơn giản mà nhà nước lại phức tạp ?

    Câu trả lời cuối cùng cũng là của các cơ quan ban hành luật.

    Trên đây chỉ là vài ví dụ, thực tế còn nhiều trường hợp tương tự.

    Và qua những phân tích trên thì câu hỏi là: Các địa phương có cần thiết phải chạy đua nhau ban hành bộ đơn giá hay khồng? Và nó sẽ tồn tại được mãi hay đến một lúc nào đó nó lại ‘lặng lẽ ra đi’ như những bộ đơn giá trước đây?

    Để hiện thực hóa “công cuộc” cái cách thủ tục hành chính mà nhà nước đang kêu gọi thì những vấn đề như thế này đáng ra phải được mang ra phân tích, thảo luận rộng rãi ở cấp độ trung ương (BXD hoặc hơn nữa) chứ cấp độ địa phương hoặc anh em xây dựng trao đổi với nhau thì chỉ cho vui chứ ‘không ăn thua’.

    * * *

    Và trong tương lai, nếu có điều chinh lương nhân công thì sẽ có phức tạp phát sinh, cụ thể như sau:

    1. Điều chỉnh chi phí nhân công:

    - Trước đây (2019 về trước) khi tăng đơn giá nhân công, thì SXD các địa phương ban hành thông báo hướng dẫn điều chỉnh tăng chi phí nhân công bằng cách lấy lương mới chia lương cũ, ra được 1 hệ số điều chỉnh tăng, chẳng hạn Knc= 1,1. Nhưng đó là khi nhân công chưa phân nhóm, nên lấy 1 hệ số 'đổ đồng' được.

    - Giờ đây, trong bộ đơn giá các địa phương có phân nhóm nhân công theo từng loại công tác (phần xây dựng có 6 nhóm nhân công theo các nhóm công tác khác nhau). Mà các nhóm có mức lương khác nhau, tỷ lệ biến động chắc chắn có khác nhau chút ít, nếu tăng bằng nhau cùng 1 tỷ lệ thì đó chỉ là cách chữa cháy, lấy bình quân cho ‘đẹp’, thực tế không bao giờ 6 nhóm tăng cùng 1 tỷ lệ. Vậy khi điều chỉnh tăng nhân công sẽ theo cách nào?:

    + Hoặc tăng cùng 1 tỷ lệ bình quân (nhân 1 hệ số như 2019 về trước), cách này đơn giản nhưng không đúng thực tế.

    + Hoặc tăng theo từng nhóm: Nhóm 1: Knc1= 1,10, Nhóm 2: Knc2 = 1,11; Nhóm 3: Knc3 = 1,13… … (ví dụ thế), cách này sẽ làm cho việc xác định chi phí nhân công càng thêm phức tạp. Chi bằng tính trực tiếp như hôi thông báo 139/TB-SXD, năm 2020. Vậy thì cột đơn giá nhân công thành thừa? Phức tạp nhỉ!

    2. Điều chỉnh chi phí máy thi công:

    Đơn giản hơn phần  NC một chút, vì: CP máy = CP máy gốc + bù nhân công điều khiển máy + bù nhiên liệu. Và nhân công điều khiển máy chỉ có 1-2 nhóm.

    Đó chỉ là tiên đoán, còn thế nào thì phải đến khi có văn bản cụ thể mới rõ ngô khoai.

    Và nếu không có gì gọi là 'đột phá' từ thượng tầng, thì câu chuyện lập về lập dự toán ở VN vẫn mãi là câu chuyện dài không hồi kết.

Tham khảo thêm bài viết từ liến kết ngoài: Tính giá trị vật liệu theo cách nào ?

    * * *

Ý Kiến thảo luận:

    Dẫm lên chân nhau?

    Có một nghịch lý là Bộ XD vừa mới ban hành định mức và thông tư 09/2019 hướng dẫn lập dự toán trực tiếp theo định mức thì ngay sau đó không lâu, (một số) các địa phương lại ban hành bộ đơn giá tính sẵn? Các văn bản cứ như thể dẫm lên chân nhau,

- - -     

    Ngư ông đắc lợi?

    Cũng cần hiểu thêm là, cơ quan ban hành là UBND các địa phương, nhưng tính toán ra bộ đơn giá là Viện kinh tế XD – BXD, là bên B cho UBND các địa phương.

    Viện KTXD-BXD không phải bên ban hành định mức (BXD), cũng ko phải bên ban hành bộ đơn giá (UBND các địa phương), mà chỉ là một thực thể trong hợp đồng xây dựng bộ đơn giá, là bên B cho UBND các địa phương. Nhưng Viện KT - BXD lại là cơ quan trực thuộc BXD, như là mẹ với con, con múa mẹ vỗ tay, con hát mẹ khen hay. Kiểu gì chẳng được. Định mức đã có trong tay, tính 1 tỉnh nhân bản ra 63 tỉnh thành khác. Trong mối tương tác tay ba này, UBND các địa phương là bên A, nhưng thực chất chỉ là bên ra ‘lúa’. Còn Viện KTXD đóng vai trò trung gian, làm ngư ông đắc lợi.

- - -

    Cơ quan quản lý nhà nước như BXD, SXD hay UBND có vai trò như trọng tài, các doanh nghiệp như các đội banh. Trọng tài không nên đặt ra luật kiểu như đá bóng phải mặc quần dài. Bộ XD ban hành định mức + thông tư hướng dẫn là đủ rồi.

    * * *

    Tuy Hòa 09/01/2021

    Tuấn Anh.

Không có nhận xét nào: